Lan kiếm Xanh Huế - cây kiếm VÔ VI - vườn lan Duy Dương 0914.336.889 - Vườn Lan Duy Dương

Post Top Ad

zalo, faceboook, viber mr Duy: 0914.336.889

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Lan kiếm Xanh Huế - cây kiếm VÔ VI - vườn lan Duy Dương 0914.336.889

#Xanh_Huế - cây kiếm VÔ VI

 “Đường vô xứ Huế quanh quanh. 
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.
 Ai vô xứ Huế thì vô…". 



Về với Huế là về với chốn Thần Kinh cố đô cảnh sắc nên thơ hữu tình. Về với Huế còn là về với nơi khởi nguồn của cây kiếm VÔ VI mang tên Xanh Huế. Xanh Huế là một cây kiếm var. alba khó lẫn với những cây kiếm Việt khác. Bộ lá khỏe giương vút, bản lá xanh ngát có thể đạt 5-6-7cm, đầu lá thường võng xuống chút như lòng thìa. Mầm măng thuần màu nõn chuối. Và đặc biệt là những bông hoa sáng màu tinh khiết, long lanh như có ánh lân tinh dưới nắng. Xanh Huế cho hoa quanh năm (từ tháng 2 đến tháng 11), với mùi hoa thơm dịu thanh thoát, cần hoa rủ duyên dáng, tương đối dài và dày hoa. Với mỗi kiếm thủ, có một chậu Xanh Huế nở hoa trưng ngoài hiên ngày Tết thật là một ơn huệ của đất trời khi xuân về. 



 Khuôn hoa với 5 cánh màu xanh ngọc (người đất lúa gọi là màu xanh cốm) không tỳ vết kết hợp hài hòa với lưỡi hoa cả 3 thùy màu trắng tinh khôi, có điểm một vệt xanh ngọc nơi cuống lưỡi lan lên toàn trụ nhụy. Các kiếm thủ còn chỉ ra đặc trưng ở cái lưỡi gập hơi vẹo và cần hoa phân không đều ở 3-4 bông đầu tiên của đa số cây Xanh Huế, âu cũng là chút khiếm khuyết ứng với câu “nhân vô thập toàn”. Hoa Xanh Huế nở sau vài ngày sẽ chuyển sang màu vàng nhạt, ánh xanh mất dần. Càng ở nơi nhiều nắng gió, hoa nở càng mang ánh vàng nhiều hơn. 



Kiếm Xanh Huế về với đất Sài Gòn được các kiếm thủ nơi đây gọi với cái tên vàng Sài Gòn, sau gọi Tứ thời bởi đặc điểm ra hoa quanh năm. Khi về với đất Quảng Bình rồi từ đó đến các vùng miền khác, ánh vàng của hoa trở thành điểm nhấn, nên Xanh Huế còn có tên vàng Quảng Bình. Do chế độ nuôi trồng, ở các vùng khí hậu khác nhau mà màu hoa và chi tiết có thể biến thiên, nhưng những nét đặc trưng về khuôn hoa, cần hoa, thân lá, măng mầm vẫn thế. Bởi vậy, khoảng hai năm trở lại đây đa số kiếm thủ đã chấp nhận cái tên ghép “Tứ Quảng Huệ” để vinh danh sự hoàn nguyên cội nguồn của cây Xanh Huế khi bôn ba nơi xứ người. 


 Xanh Huế - cây kiếm hoa xanh xứ Huế - cái tên ghép với địa danh này nổi lên từ khoảng chục năm về trước, khi cây kiếm bắt đầu được đưa ra khỏi Huế theo nhiều con đường. Cái tên bình dị nhưng đong đầy ý nghĩa. Bởi đa số mỹ từ chỉ phong cách con người và cảnh vật thiên nhiên chúng ta đều có thể vận vào xứ Huế: mộng mơ, êm đềm, thuần nhị, yêu kiều, sâu lắng, thân thương, duyên dáng, tinh tế, kiêu sa, bác học… Vẻ đẹp “chẳng nơi nào có được” ở chốn địa linh nhân kiệt ấy tự nó đã trở thành một tính từ riêng, khi nói về một cái gì đó “rất Huế”, đúng "chất Huế”. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta vẫn quen dùng những cụm từ mang thương hiệu Huế mà không cần phải giải thích gì thêm, như: người Huế, giọng Huế, ca Huế, kiến trúc Huế, nhà vườn Huế, màu tím Huế, nón lá Huế, món ăn Huế (nào là bánh Huế, chè Huế, bún Huế, cơm Huế, ôi chao nhắc đến mà thèm dễ sợ)... Và giờ đây là kiếm Xanh Huế, hoặc đơn giản chỉ là kiếm Huế.



Cây kiếm Xanh Huế phát huy cao độ những khí chất vốn có của một cây kiếm lá cứng, cùng với bông hoa đặc trưng – còn có thể coi như một biểu tượng cho mạch ngầm đầy khí phách của đất cố đô. Đừng bao giờ coi thường sự mạnh mẽ, quật cường của những người con xứ Huế, vốn ẩn sau những nét tao nhã, khiêm nhường thường nhật. Như dòng sông Hương hiền hòa nên thơ là vậy, mà sẵn sàng quẫy nước tràn bờ dữ dội mỗi khi Mẹ thiên nhiên nổi giận. Và khi người Huế đứng lên, ắt hẳn đó phải là một sự kiện trọng đại của thời cuộc. 



 Gọi Xanh Huế là cây kiếm VÔ VI, bởi nét thuần khiết của cây kiếm var. alba, và còn bởi nơi ấy là đất Phật linh thiêng. Tương truyền, các phật tử xứ Huế thường dâng tặng hoa phong lan trong đó có kiếm vào các chùa chiền. Dù gốc gác xưa từ đâu chẳng ai hay, cây Xanh Huế đã có từ rất, rất lâu rồi trong vườn chùa Linh Mụ - ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất xứ Huế, bởi vậy người Huế còn gọi đầy tự hào là “Hoàng Kim Linh Mụ kiếm” (với giai thoại cây kiếm ấy khởi phát từ chùa Linh Mụ truyền ra nhân gian từ cách đây hơn 30 năm). Giữa cây cỏ, con người và âm thanh luôn có sự giao cảm. Sống trong không gian phật pháp, thẩm thấu âm thanh huyền diệu của 108 tiếng chuông chùa mỗi sớm mai, hòa quyện chính khí từ chính niệm của người tu hành, nên cây kiếm Xanh Huế dường như càng khỏe hơn, lá vươn mạnh hơn, hoa đẹp hơn, tỏa hương thơm hơn, trở nên trân quí hơn trong lòng người. VÔ VI là vượt lên trên những vô thường, bất toại nguyện của thực tại, như đóa sen vô nhiễm với bùn lầy, vượt lên bùn lầy dơ tanh để tỏa hương thơm ngát. Phật pháp bất ly thế gian pháp, nên VÔ VI pháp luôn hiện hữu trong cuộc sống. VÔ VI không phải là không làm gì, bàng quan với thực tại, mà là làm thật tốt những việc cần phải làm. VÔ VI nhắc nhở chúng ta có cho mình những lựa chọn hợp lý, làm chủ chính mình, hướng đến sự an yên trong lòng. Bông kiếm nào cũng nở đẹp nhất trong không gian riêng của mình. Bởi vậy, thấu hiểu pháp VÔ VI giúp chúng ta có cách tầm kiếm, chơi kiếm trong khả năng, trân trọng những cây kiếm mình đang có, buông bỏ tà niệm, tham sân si, nhất là mỗi khi nhìn sang vườn kiếm của cô hàng xóm xinh đẹp. Chúng ta sẽ đắc ngộ sâu sắc hơn câu “Chơi lan dưỡng tính” khi có cây VÔ VI kiếm trong vườn nhà. 

 “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
 Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên 
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc 
Lá trúc che ngang mặt chữ điền” 
 (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử). 

 Nào về với Huế, thăm những hàng cau tỏa nắng mới, những vườn ai xanh như ngọc, và trong đó, biết đâu, thấp thoáng giò kiếm Xanh Huế đang căng đầy sức sống, nở hoa tuyệt đẹp và dịu ngát hương thơm. Để thấy pháp VÔ VI tinh khởi trong lòng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Responsive Ads Here